Với những người chơi bóng rổ hay bất kì một môn thể thao nào khác, giày là một phụ kiện khá quan trọng. Những người chơi lâu năm có thể biết các tiêu chí để chọn giày, còn nếu bạn là người mới chơi, giữa một “rừng giày” bóng rổ, bạn sẽ phân vân mình mang gì mới thích hợp, và giày gì mới thích hợp với chân của mình. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn một phần nào đó trong việc chọn giày bóng rổ phù hợp
Biết chính xác size giày của bạn.
Với một đôi giày bình thường, bạn có thể mang to hơn hoặc nhỏ hơn 0.5 size, nhưng với một đôi giày bóng rổ, mang chính xác size giày sẽ cho bạn cảm giác thoải mái đồng thời bạn sẽ không bị trượt bên trong giày nếu mang giày quá rộng, hoặc bị kích ngón chân dẫn đến đau hay thậm chí hư móng nếu chọn giày quá chật. Nghiên cứu kĩ về size giày cũng như size chân của bạn sẽ giúp bạn khá nhiều trong việc chọn giày.
Chọn kiểu giày đem lại sự thoải mái khi mang.
Một số người cho rằng giày bóng rổ cần phải có cổ cao thì mới bảo vệ được cổ chân tránh những chấn thương. Điều này chỉ đúng một phần khi giày cổ cao (high top) sẽ hạn chế việc lật cổ chân (lật sơ mi) nhưng không có nghĩa những đôi giày cổ thấp dễ bị lật sơ mi hơn. Việc chấn thương là ngoài ý muốn và nó còn phụ thuộc vào lối đánh của mỗi người. Bạn thích giày có thiết kế cổ thấp (low top), cổ lửng (mid top) hay cổ cao (high top) đều được, không vấn đề gì. Miễn là khi mang, đôi giày không làm cho bạn đau chân, không cho bạn cảm giác lỏng lẻo, bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi mang giày. Hãy chọn đôi giày đó.
Chất liệu của giày cũng rất đa dạng, từ da (leather), chất liệu tổng hợp (synthetic), foamposite, lưới (mesh, hyperfuse)… Chất liệu cũng chiếm một phần quan trọng trong việc tạo cảm giác thoải mái cho người mang, một số loại chất liệu cần thời gian để co giãn với hình dạng của bàn chân người mang (gọi là break-in time), 2 loại chất liệu thường diễn ra quá trình này là foamposite và synthetic. Tuy nhiên ưu điểm của 2 loại chất liệu này là độ ôm chân và lockdown cực kì tốt, còn những chất liệu khác thì độ lockdown phụ thuộc vào việc siết dây chặt hay không, một số đôi giày như hyperdunk sử dụng công nghệ flywire để tăng độ lockdown, về sau những đôi giày sử dụng công nghệ kết hợp như KD7 với hệ thống flywire ở bên hông chân, hyperposite ở sau gót bảo vệ cổ chân giảm thời gian break in nhưng vẫn giữ được khả năng lockdown chân tốt và không bị trơn trượt trong giày.
Bộ đệm (cushioning) cũng là một nhân tố nữa, có khá nhiều loại cushioning từ nhiều hãng, và bạn chỉ việc tìm, thử, cảm nhận.
Nếu bạn thích mang giày như đi chân không, bạn nên chọn những đôi giày low-profile, bù lại bạn sẽ không có cảm nhận sự êm ái thoải mái của bộ đệm đem lại. Còn nếu bạn bị vấn đề về đầu gối thì những đôi giày high profile có cushioning dày sẽ giải quyết vấn đề. Tất cả đều nhằm tạo sự thoải mái cho người mang để họ có thể tung hoành trên sân một cách dễ dàng nhất.
Chọn đôi giày phù hợp với bề mặt sân.
Hầu hết bề mặt sân bãi ở Việt Nam đều là sân xi măng Hà Tiên với mức độ “bào mòn” khá cao. Nếu bạn chọn một đôi giày với phần đế ngoài (outsole) mỏng thì việc thay giày mới chỉ sớm muộn trong một tháng. Nếu bạn có điều kiện, hãy mua 2 đôi giày, một đôi dành cho việc chơi và tập ở những mặt sân “sỏi đá”, đôi còn lại để đánh giao hữu. Nếu không có điều kiện, bạn hãy tìm những dòng giày sử dụng loại đế XDR hoặc translucent, chí ít nó sẽ chịu được bề mặt sân này lâu hơn loại đế cao su bình thường kia. Nếu mặt sân trơn, hãy tìm những dòng giày có thiết kế hoa văn (traction pattern) theo dạng xương cá (herringbone traction).Dòng giày KD là một trong những dòng giày có phần đế đủ bền để có thể chơi ở những mặt sân xi măng ăn giày.Hyperdunk cũng là một dòng giày ở mức giá bình dân nhưng lại được đánh giá cao và có thể chơi tốt ở mặt sân trong nhà lẫn ngoài trời.
AND1 là dòng giày bình dân nhưng cực kì bền vì được sản xuất cho những tay chơi streetball, rất thích hợp ở Việt Nam.
Mang đúng giày để chơi bóng rổ.
Một số người mới chơi có xu hướng mang giày tennis để chơi bóng rổ, tuy nhiên nếu chơi lâu sẽ rất dễ bị chấn thương. Ngoài ra những dòng giày được sử dụng để chạy bộ hoặc cross training (tập luyện đa môn) cũng nên hạn chế mang hoặc tốt hơn là đừng mang vì thiết kế những đôi này không phù hợp với bóng rổ.
Đừng bám theo 1 thương hiệu chỉ vì người khác mang nó.
Đôi khi thương hiệu bạn được nghe quảng cáo nhiều lại không đem lại sự thoải mái như bạn mong muốn bằng thương hiệu khác, bạn nên nhớ trên sân bóng, việc bàn chân được thoải mái là một điều cực kì quan trọng, vì chân bạn sẽ hoạt động hết công suất, những bài footwork sẽ khiến chân bạn đau nhói hoặc thậm chí chấn thương chỉ vì đôi giày bạn mang không phù hợp với bàn chân. Có thể với người này, Nike cho họ cảm giác thoải mái nhưng với người khác Under Armour lại tốt hơn. Mỗi người có cách cảm nhận riêng, bạn tiếp nhận ý kiến đó nhưng cũng phải xem liệu nó có phù hợp với mình không.Bạn luôn có nhiều hơn 1 lựa chọn mà, hãy chọn thứ tốt nhất cho bạn.
Giày “xịn” không có nghĩa nó sẽ giúp bạn trở thành “siêu nhân” trên sân.
Sau một hồi đọc bài, bạn hí hửng ra store mua hẳn một đôi giày, bắt đầu sự nghiệp banh bóng, trong tâm trí sẽ tưởng tượng mình sẽ bắn 3 điểm liên tục, lên rổ uốn éo, bật đụng vành rổ, và trí tưởng tượng sẽ bay cao bay xa nữa. Tuy nhiên sau khi xách banh lên và ra sân, bạn nhận ra không có gì giống như mình tưởng tượng, banh bắn không chạm nổi rổ, nhảy không đụng tới lưới, lên rổ banh bay ra sau bảng, crossover rớt banh liên tục, vân vân và vân vân.
Đùa tí cho vui nhưng nếu bạn muốn giỏi ở một việc gì đó, bạn sẽ phải tập, tập và tập, cho dù bạn có năng khiếu từ bé không có nghĩa là bạn có thể làm được mà không cần học hay thực tập. Bóng rổ cũng vậy, bạn nên nhớ giày chỉ là 1 phụ kiện quan trọng, hay chỉ là một công cụ. Chỉ có tập luyện mới có thể biến bạn thành siêu nhân gánh team thôi.
Sau cùng, tôi mong bạn sẽ tìm được cho mình một đôi giày bóng rổ để có thể tung hoành trên sân cùng quả bóng cam, nếu có thắc mắc hay bất kì ý kiến gì, bạn hãy nêu ra và tôi sẽ giúp đỡ bạn theo những gì tôi biết.