Bạn đã biết cách chọn giày bóng rổ phù hợp chưa?

Size giày của bạn như thế nào? Bàn chân bè hay thon dài? Bàn chân của chúng ta thay đổi hình dạng mỗi năm và bạn có thể sẽ không thể mang cùng một đôi giày tại những thời điểm khác nhau. Đây là một điều hết sức quan trọng vì để cảm thấy thật thoải mái, giày của bạn phải thật ôm sát chân và không tạo cảm giác bị trượt hay sụt sịt khi bạn di chuyển với tốc độ cao.

Nếu bạn đã từng mang những đôi giày như Thượng Đình, Asia, Bitis Hunter.. để chơi bóng rổ thì mình dám chắc có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy không thoải mái và sẽ thấy thiếu độ bám cần thiết trong lúc thi đấu. Đó chính là lý do tại sao có rât nhiều mẫu giày được thiết kế đặc biệt khác nhau nhằm phục vụ cho những lối đánh khác nhau. Vì thế, để có được kết quả tốt nhất trong mỗi trận đấu, bạn cần phải chọn cho mình một đôi giày phù hợp với bàn chân, vị trí và lối đánh của mình.

ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG:

Một đôi giày tốt sẽ giúp bạn hạn chế các chấn thương nơi cổ chân cũng như các đốt xương sống, có thể không phải bây giờ, mà là 5-7 năm sau.

Chọn giày theo lối đánh:

Lối đánh đầy sức mạnh, toàn diện hay tốc độ mới là vũ khí lợi hại nhất của bạn?

► Một cầu thủ với lối chơi đầy sức mạnh sẽ phải cần một đôi giày đáp ứng được yếu tố đệm lót thật êm và độ ổn định cao. Các đôi giày cho lối chơi này thường sẽ có thêm những phần hỗ trợ ở hai bên mặt đế, gan bàn chân và sau gót, chính vì những đặc điểm này nên thiết kế lúc nào cũng sẽ thật hầm hố, điển hình là các mẫu Nike Lebron James

► Ngược lại với lối đánh công thủ toàn diện, bạn cần trang bị cho mình một đôi giày có khả năng bảo vệ cổ chân thật tốt và đệm lót êm, thân giày phải hoàn toàn ôm sát vào chân để linh hoạt di chuyển. Các mẫu giày Jordan luôn được thiết kế tối ưu cho lối đánh này.

► Trong khi đó, nếu vũ khí chính là tốc độ, bạn cần một đôi giày hội đủ các yếu tố gọn nhẹ, độ bám cao, bỏ qua các chi tiết rườm rà, chất liệu cũng phải là loại siêu mỏng siêu chắc, lót đệm êm tương đối và phải đảm bảo độ đàn hồi (responsive) cần thiết đủ để bạn cảm giác mặt sân một cách tốt nhất. Về điều này thì khó có đôi nào bị kịp với các mẫu Nike Kobe, Nike Zoom Crusader, Nike PG1 mới ra mắt hay như Peak Tony Parker IV.

Mình từng thấy nhiều bạn thích mang chân không để chơi bóng, hỏi lý do là để cảm giác sân tốt hơn, lúc mới chơi mình cũng từng nghĩ như vậy, cho đến khi bị … chấn thương gót chân. Điều này cực kì gây hại cho bàn chân nếu không muốn nói là bạn đã chuẩn bị cho chấn thương trong vòng 5-7 năm tới. Hiện tại cũng có nhiều dòng giày đáp ứng rất tốt việc cảm giác sân này.

Chọn giày theo vị trí:

Với đặc điểm của vị trí C và PF thì thiết kế giày thường là cổ cao (high top) để bảo vệ tối đa phần cổ chân, đế to bản dày chắc để đảm bảo độ đàn hồi tốt nhất sau những cú rebound. Thiết kế đế ngoài ổn định cũng không kém quan trọng để phục vụ cho việc xoay người, chèn lấn bên trong khu cấm địa. Tuy nhiên, với bóng rổ hiện đại ngày nay thì TỐC ĐỘ là yếu tố ngày càng được chú trọng, điều này dẫn đến việc cổ cao sẽ gây hạn chế trong một số tình huống nhất định. Vậy nên chúng ta có thêm lựa chọn cổ trung (mid cut) cho vị trí này.

Trên thực tế các mẫu giày mid cut đã và đang được các cầu thủ trên thế giới ưa chuộng, có thể kể đến như Jordan Melo, Jordan Super Fly, Ultra Fly, Nike Kevin Durant, Nike Lebron Soldier, adidas thì có D.Rose, CrazyLight… Thậm chí gần đây nhất Peak cho ra hẳn mẫu thiết kế cổ thấp (low cut) dành cho dòng giày “signature” của siêu trung phong Dwight Howard, vì anh yêu cầu đôi giày phải giúp anh nhanh hơn và bớt vướng víu hơn.

Trong khi đó, tốc độ là yếu tố quyết định một SF giỏi nên đôi giày phù hợp cho vị trí này thường sẽ có thiết kế thon gọn ở thân và lưỡi gà, dẹp nhọn ở mũi (thiết kế tối ưu khí động học). Cổ giày có thể ở dạng low cut hoặc mid cut nhưng theo mình thì tốc độ càng cao lại càng cần phải được bảo vệ tốt hơn, vì vậy hi sinh một chút linh hoạt cho mid cut để bù lại độ an toàn cho đôi chân thì cũng đáng.

Vị trí PG đòi hỏi sự linh hoạt trong những đường chạy cắt chéo hay crossover bất ngờ, tốc độ sẽ biến thiên liên tục do đó cần thiết nhất chính là độ bám sân (traction) và cho cảm giác mặt sân càng nhiều càng tốt (responsive). Không cần phải bật nhảy quá nhiều nên đôi giày dành cho vị trí này cũng không cần phải quá êm ái, quan trọng là phải gọn nhẹ, dễ dàng xoay trở, hạn chế bị trượt.

Còn lại chính là SG, một vị trí hơi thầm lặng nhưng luôn tỏa sáng đúng lúc cần thiết. Thông thường với một tay xạ thủ thứ thiệt thì “đồ chơi” xịn là cái không thể thiếu. “Đồ chơi” của SG phải lấy yếu tố ỔN ĐỊNH làm hàng đầu, kế đến là phải NHẸ, càng nhẹ càng tốt, bạn không bao giờ có thể ngắm bắn thoải mái khi đeo một cục chì dưới chân cả. Về vấn đề nhẹ thì Under Amour là cái tên đại diện hàng đầu cho các SG với các mẫu UA Curry 2, Curry 3 hay như Anta KT2 của hãng giày đến từ Trung Quốc.

Lên đầu trang